NHÀ THỜ CŨ QUẢNG NGÃI

NHÀ THỜ CŨ QUẢNG NGÃI
___________________________
Nhà thờ tọa lạc tại số 43 đường Trần Hưng Đạo, Tp. Quảng Ngãi. Được xây dựng năm 1941 dưới thời Cha cố Tiên khởi Phê rô Nguyễn Thanh Quý.
Tên gọi nhà thờ Quảng Ngãi là tên gọi chính thức trong văn bản hành chính. Tuy nhiên bà con giáo dân thời trước hay gọi Nhà thờ Tỉnh vì lẽ các cơ quan hành chính lớn của tỉnh hiện diện xung quanh nhà thờ. Đến năm 1963 giáo xứ Quảng Ngãi xây dựng thêm ngôi nhà thờ thứ 2 ở số 109 Hùng Vương, từ đây người ta gọi Nhà thờ cũ và Nhà thờ mới để dễ phân biệt. Tên gọi đó tồn tại đến tận hôm nay, mặc dù đã trả qua 2 đợt trùng tu: năm 1995 dưới thời Cha Cố Đặng Son và năm 2022 dưới thời Cha sở đương nhiệm Giuse Võ Tuấn.

Nhà thờ mang kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà cửa miền trung mộc mạc đơn giản vì thế đến nay vẫn đem lại một góc độ ưa nhìn mà không lỗi thời. Dù trải qua suốt 83 năm thăng trầm của thời tiết khắc nghiệt miền trung.

Trở lại mặt tiền nhà thờ, dưới Thánh Thể Chúa là hình tượng Đức Mẹ, bổn mạng của giáo xứ Quảng Ngãi vào dịp lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Bên dưới là những họa tiết thể hiện những điển tích gắn liền với công trình cứu độ của Chúa Giesu.
Chiêm ngắm mặt tiền nhà thờ, ta sẽ nhận ra một bài giáo lý rất cơ bản. Với chóp đỉnh là Thánh giá, thấp hơn hình tượng Bí tích Thánh Thể. Hai bên có hai Thiên Thần quỳ chầu làm chúng ta nhớ đến Cha cố Giuse Trần Ngọc Châu. Ngài luôn chầu giờ thánh vào mỗi chiều Chúa nhật. Dù có khi không có giáo dân nào tham dự thì Cha cố vẫn luôn trung thành với giờ chầu Thánh Thể Chúa. Truyền thống ấy đã được chúng ta tái lập 2 năm nay vào lúc 3 giờ mỗi chiều Chúa Nhật.

Tất cả các chi tiết trên mặt tiền đều nằm trong bố cục hình tam giác đều, diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chính trong tình yêu Chúa Ba Ngôi chúng ta được dựng nên, sinh ra và lớn lên mỗi ngày sống cho Chúa, sống vì Chúa và rồi cuối đời chúng ta trở về trong chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa và là giáo lý cơ bản của mặt tiền nhà thờ.

Bước vào bên trong nhà thờ, ta thấy một không gian ấm cúng với tông màu gỗ chủ đạo. Bên trên cung thánh, nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra có 3 gian tòa là: Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse được làm từ gỗ mít. Gỗ mít này có nguồn gốc từ Cha cố Châu là người vun trồng, chăm sóc, tưới tắm khi chúng là những cây con. Nhờ vườn mít này mà bao thế hệ cô nhi trong thời đói kém có thêm chút thức ăn qua ngày, nhờ vườn mít này nhà thờ có thêm chút đèn chút nến chút dầu, nhờ vườn mít do ông cố ngày ngày chăm sóc mà mảnh đất nhà thờ lớn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Trải qua gần 50 năm những cây mít này đã già và chết đi, chúng được tận dụng sẻ ra đóng thành các bàn thờ Chúa, bàn thờ Đức Mẹ, Bàn thờ thánh cả Giuse, bàn thờ dâng lễ, bục giảng… Những vật dụng này như một lưu dấu nói lên lòng biết ơn Cha Cố Giuse Trần Ngọc Châu.
Đối diện cung thánh là tầng gác ca đoàn với chiếc cầu thang Thánh Giuse. Được mô phỏng lại đường nét, trụ đề ba, tay vịn, các cấp, thanh song,… đưa ca viên lên xuống tầng ca đoàn như là một lời tri ân Thánh cả Giuse đã âm thầm đồng hành với công trình trong suốt 2 năm trùng tu, đồng thời dâng tất cả mọi hi sinh lao nhọc của mọi con cái Chúa từ khắp mọi nơi đã đóng góp vào công trình xin Thánh cả Giuse gìn giữ và chúc phúc cho những việc tốt đẹp mà chúng con đã thực hiện.
Hai bên hành lang và tượng 4 vị thánh tử đạo của Giáo Phận Qui Nhơn. Phía sau bên phải nhà thờ là một Tháp chuông với kiến trúc đơn giản, đỉnh chóp là thánh giá nằm trên phần mái tôn 2 tầng lợp lá. Bên dưới là tượng thánh Francis Assisi. Đối xứng vị trí tháp chuông, phía sau bên trái nhà thờ là tượng Lòng Thương Xót Chúa.

Bên cạnh nhà xứ, một nhà đa năng được xây mới liền kề dựa theo kiến trúc và tỷ lệ của nhà xứ, thể hiện sự kết nối và chuyển tiếp của quá khứ và hiện tại.
Hướng đông khuôn viên là Đồi Đức Mẹ với tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng và những tiểu cảnh lung linh dưới ánh đèn khi được nhìn ngắm về đêm.
Hàng rào phía trước khuôn viên nhà thờ là vách tường vôi với mặt bên trong được phủ kín bởi các bức họa của tất cả nhà thờ trong hạt Quảng Ngãi. Mặt bên ngoài vách tường được ốp từ chính những viên ngói nhà thờ mà Cha cố Đặng Son đã lợp trong đợt trùng tu năm 1995.
Phần sân nhà thờ được lát bằng đá Cubic, một loại vật liệu đặc trưng địa phương được khai thác tại quê hương Quảng Ngãi. Khi nhìn từ trên cao xuống, những viên đá được xếp ngay ngắn tạo thành những họa tiết hoa văn bắt mắt.
Ngoài ra, khuôn viên nhà thờ còn được trùng tu thêm nhiều hạn mục để có được tổng thể như ngày hôm nay.
Phần sân hướng đông Nhà Thờ
Đồi Đức Mẹ
Sảnh phía trước mặt tiền nhà thờ
Bồn hoa hướng Đông Nhà Thờ
Đá Cubic là tên gọi dòng đá từ địa phương Quảng Ngãi, trải qua bàn tay thủ công của các nghệ nhân lành nghề, gia công nên từng viên đá nhỏ với các quy cách phổ biến nhất là 10cm*10cm*5cm, 10cm*10cm*10 cm
Đá cubic xếp hình vòng cung tạo hiệu ứng đẹp mắt
Quanh mỗi gốc cây đều có hoa trang trí và đá cubic xếp hình vòng cung quanh gốc tạo nên không gian tự nhiên gần gũi
Lối đi hướng Tây Nhà Thờ
Phía sau nhà Thờ được tận dụng ngói cũ để ốp tường
Việc góp công góp sức trùng tu gìn giữ bảo tồn một ngôi nhà thờ cũ 83 năm quả thực tốn không biết bao nhiêu tiền của, của tất cả ân nhân xa gần. Nhưng không đơn thuần chỉ dừng ở cát đất xi măng gạch đá, mà còn vì lòng tri ân các thế hệ tiền nhân đi trước để giờ đây mình là thế hệ cháu con phải giữ gìn và phát huy.
Theo lẽ tự nhiên ngôi nhà thờ này sẽ hiên ngang đứng vững ít là 30 năm nữa mới nghĩ đến việc trùng tu. Vì thế trong suốt 30 năm chúng ta tập trung lo đời sống đức tin, giúp nhau làm chứng nhân cho Chúa, cùng nhau làm vườn nho cho Chúa. Từ bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa trong ngôi nhà thờ này chúng ta kiến múc sức mạnh tình yêu của Chúa xây dựng quê hương xứ Quảng đầy ắp nền văn minh tình thương như Chúa đã dạy.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi. Xin tri ân và kính chúc!

________________________________________

Bài viết: Minh Thọ & Joseph Đặng (Sưu tầm & chỉnh sửa)